Trước thực trạng đau thương này, từ lâu Giáo hội đã tìm cách giúp người dân khắc phục những hậu quả đau thương. Như sơ Denise Coghlan Dòng Chúa Thương Xót, từ 30 năm qua luôn đồng hành với các nạn nhân của bạo lực, đặc biệt những người bị ảnh hưởng bởi hậu quả của chiến tranh kéo dài. Là thành viên của chiến dịch quốc tế dẫn tới việc thông qua Hiệp ước cấm mìn vào năm 1997, nữ tu truyền giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nạn nhân. Cùng năm đó, sơ Denise và Tun Channareth người Campuchia, một cựu quân nhân bị thương do bom mìn, đã nhận giải Nobel Hòa bình vì sự dấn thân không mệt mỏi của họ đối với chiến dịch xóa bỏ mìn sát thương.
Nữ tu nói: “Chúng tôi tiếp tục làm việc bằng cách nâng cao nhận thức và yêu cầu mọi người loại bỏ mìn khỏi tâm hồn họ”. Theo sơ Denise, mọi sự đều xuất phát từ sự hoà giải và từ việc trở thành những người kiến tạo hoà bình, một nhiệm vụ rất khó khăn, cần phải nỗ lực không ngừng”.
Là người sống sót sau vụ mìn nổ, ông Tun Channareth dành trọn thời gian cho việc chăm sóc các nạn nhân. Ông chế tạo xe lăn cho hàng ngàn người bị thương do mìn. Hiện nay, tiến tới giai đoạn ba, ông đồng hành với những người khuyết tật trên hành trình hướng tới một cuộc sống xứng nhân phẩm, với việc tạo cơ hội kinh tế thông qua các sáng kiến phát triển và tạo thu nhập. Những người nhận lòng quảng đại của ông Channareth nói rằng những chiếc xe lăn của ông không chỉ đơn giản là phương tiện di chuyển nhưng đã trở thành phương tiện thúc đẩy cuộc sống, nhân phẩm, hoà bình và hoà giải. Ông giải thích: “Làm việc với các nạn nhân của bom mìn có nghĩa là mang lại một chút ánh sáng nhằm khuyến khích họ trên con đường, tìm được niềm hy vọng và sự chữa lành”.
Từ năm 1994, Tổ chức cứu trợ người tị nạn của Dòng Tên là một trong những tổ chức hiện diện và hoạt động tích cực trong chiến dịch nâng cao nhận thức về việc cấm mìn và bom chùm. Bên cạnh hoạt động vận động, Tổ chức còn đồng hành cùng phong trào của những người sống sót để giúp họ kể lại câu chuyện và cảm nghiệm của họ tại các diễn đàn quốc tế. Ngoài ra với dự án Survivor Network, Tổ chức đã tạo ra sự kết nối trong khắp đất nước giữa những người sống sót, theo dõi cuộc sống của họ và nâng cao nhận thức của những người lãnh đạo các thôn làng về nhu cầu và quyền của người khuyết tật với ý tưởng thúc đẩy sự hoà hợp và hoà nhập xã hội đầy đủ cho người khuyết tật.
Để đạt được mục tiêu này vào năm 1991, cha Enrique Figaredo Alvargonzalez, đứng đầu Hạt Phủ doãn Tông toà Battambang đã thành lập một trung tâm Banteay Prieb dành cho những trẻ em bị thương do bom mìn. Tại đây, các em được đồng hành trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Từ đó đến nay, từ trung tâm này, hàng ngàn người trẻ Campuchia đã trưởng thành và tìm lại được nụ cười. Năm 2020, nơi đây được chuyển đổi thành trung tâm phục hồi chức năng công cộng do chính phủ điều hành. Tại Battambang, trong lúc chăm sóc cho khoảng 5000 người Công giáo, cha Enrique đã thực hiện các dự án xã hội như các trường học dành cho trẻ khuyết tật, phòng khám, trung tâm đào tạo nghề nhằm khôi phục nhân phẩm cho các em, để các em có thể tiếp tục mỉm cười.
Cha nói: “Một em trong số đó đã nói với tôi: Trong tương lai con muốn hạnh phúc. Bí quyết hạnh phúc là mọi người cùng chăm sóc nhau, trong gia đình, trong cộng đồng làng xã. Tình thương huynh đệ là chìa khoá hạnh phúc. Đó là chứng tá đức tin tôi đã nhận được từ những người bé nhỏ và nghèo khó đang loan báo Tin Mừng mỗi ngày”.
Để biểu lộ sứ vụ đang thi hành, cha chỉ vào Thánh giá đang đeo bị mất một chân, và nói: “Chúa Giêsu bị mất một chân chịu đau khổ như những người bị thương do bom mìn. Người đồng cảm với đau khổ của người khuyết tật, trong khi đau khổ của họ hiệp thông với đau khổ của Người để cứu độ thế giới. Hơn nữa, điều này nói với chúng ta rằng thân thể mầu nhiệm của Chúa không trọn vẹn, thiếu một cái gì đó, thiếu một chân do thiếu hiểu biết tình yêu Chúa. Sứ vụ của chúng ta là hoàn thành những thiếu sót này”.
Nguồn: Vatican News